Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ lấy người dân là trung tâm phục vụ
Có thể nói, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 sau gần 15 năm thực thi cùng với việc tạo dựng hành lang pháp lý đối với việc bảo đảm TTATGT đường bộ cũng đã bộc lộ nhiều bất cập giữa các quy định của Luật so với sự thay đổi nhanh chóng của thực tiễn hoạt động giao thông đường bộ.
Do đó, Đảng, Quốc hội, Chính phủ đã có nhiều văn bản chỉ đạo về tập trung rà soát, hoàn thiện đồng bộ hệ thống pháp luật về giao thông theo hướng quy định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với công tác bảo đảm TTATGT gắn với bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông và phát triển kinh tế - xã hội. Ngày 25/5/2023, Ban Bí thư đã ban hành Chỉ thị số 23-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm TTATGT đường bộ trong tình hình mới, trong đó đề ra nhiệm vụ xây dựng, ban hành Luật TTATGT đường bộ và Luật Đường bộ trên cơ sở tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để cụ thể hóa định hướng trên.
Thực tiễn cho thấy, an toàn giao thông, kết cấu hạ tầng giao thông và vận tải đường bộ là 3 lĩnh vực rất lớn, với mục tiêu, đối tượng điều chỉnh khác nhau nhưng lại được điều chỉnh trong cùng một luật dẫn đến không thể quy định đầy đủ, cụ thể, rõ ràng nhiều nội dung quan trọng thuộc từng lĩnh vực, phải ban hành rất nhiều văn bản dưới luật để hướng dẫn thực hiện.
Việc xây dựng, ban hành Luật Đường bộ và Luật TTATGT đường bộ trong giai đoạn hiện nay là đòi hỏi tất yếu khách quan, cấp bách của thực tiễn, phù hợp với quy luật phát triển, xu hướng xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật của Việt Nam, góp phần tạo cơ sở pháp lý đầy đủ hơn để đáp ứng yêu cầu trong tình hình mới.
Do đó, việc hoàn thiện thể chế pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm TTATGT đường bộ là tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Đảng, Nhà nước qua các thời kỳ, là sự cụ thể hóa Hiến pháp để giải quyết những vấn đề thực tiễn về TTATGT đường bộ trong tình hình hiện nay và những năm tiếp theo. Cùng với đó, để giải quyết triệt để những bất cập, khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình luật hóa những quan hệ xã hội trong lĩnh vực giao thông đường bộ, việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ là hoàn toàn cần thiết và phù hợp, khắc phục những tồn tại và hạn chế của luật hiện hành, đáp ứng tốt hơn nữa về việc đảm bảo TTATGT đường bộ trong bối cảnh hiện nay.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ điều chỉnh các nội dung gồm: Quy tắc giao thông đường bộ; phương tiện giao thông đường bộ; người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ; bảo đảm TTATGT trong vận tải đường bộ; chỉ huy, điều khiển giao thông đường bộ; tuần tra, kiểm soát về TTATGT đường bộ; giải quyết tai nạn giao thông đường bộ; quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ.
Dự thảo hiện tại không quy định về hình thức cấp biển số xe ôtô thông qua đấu giá, do Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 73/2022/QH15 về thí điểm đấu giá biển số xe ôtô. Về trừ điểm của giấy phép lái xe, nghiên cứu, tiếp thu ý kiến góp ý của nhiều chuyên gia, nhà khoa học và tham khảo kinh nghiệm quốc tế thì đây là một hình thức xử lý vi phạm hành chính, nên cần sửa đổi, bổ sung trong Luật Xử lý vi phạm hành chính. Vì vậy, dự thảo Luật hiện tại không quy định về nội dung này.
Để thay đổi được tình hình TTATGT cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó ban hành Luật TTATGT đường bộ là giải pháp đột phá về hoàn thiện thể chế pháp luật nhằm thay đổi, xây dựng thói quen, ý thức tự giác chấp hành pháp luật, xây dựng văn hoá giao thông văn minh, hiện đại, mang tính ổn định, lâu dài, cần có thời gian để thực hiện, đi cùng với các biện pháp bảo đảm TTATGT, biện pháp cưỡng chế… để duy trì, thiết lập trạng thái kỷ cương, nền nếp, tinh thần thượng tôn pháp luật. Đồng thời, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông phải hoàn thiện, hợp lý, đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, là cơ sở vật chất - kỹ thuật đảm bảo cho hoạt động giao thông được an toàn, thông suốt.
Mục tiêu của Luật TTATGT là xây dựng thói quen, ý thức tự giác và hình thành văn hóa giao thông hiện đại, đề cao bảo vệ tính mạng, tài sản, quyền con người khi tham gia giao thông. Tuy nhiên, để thực hiện được mục tiêu đó, cần có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, của mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân và đặc biệt là sự đồng thuận của Nhân dân, luật phải đi vào cuộc sống, phải được người dân nhận thức đầy đủ và thực hiện nghiêm thì mới phát huy tác dụng. Ngành Công an sẽ là nòng cốt, chịu trách nhiệm chính trước Đảng, Nhà nước và Nhân dân tổ chức thực hiện Luật này và chịu trách nhiệm về kết quả bảo đảm TTATGT đường bộ.
Nội dung của Luật có nhiều điểm mới so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008, như mô tả, bổ sung, làm rõ nhiều quy tắc giao thông phù hợp với thực tiễn Việt Nam và Công ước Viên năm 1968; quy định chặt chẽ, công khai, minh bạch và khoa học hơn các điều kiện của lưu hành phương tiện và người điều khiển phương tiện tham gia giao thông; các biện pháp tổ chức giao thông trật tự, an toàn; giải quyết tai nạn giao thông; việc ứng dụng khoa học công nghệ trong công tác giám sát, phát hiện, xử lý vi phạm TTATGT, chỉ huy, điều khiển giao thông; kết nối, chia sẻ, liên thông dữ liệu giữa các bộ, ngành; đẩy mạnh cải cách hành chính, lấy người dân làm trung tâm phục vụ…
Việc xây dựng Luật TTATGT đường bộ nhằm tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm TTATGT đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
Với quan điểm đổi mới tư duy, nhận thức và hành động, xác định bảo đảm TTATGT là động lực phát triển kinh tế - xã hội, là thành tố quan trọng trong bảo đảm an ninh con người, an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội của đất nước; lấy người dân là trung tâm, là chủ thể, động lực, nguồn lực; đặt an toàn về tính mạng, sức khỏe, tài sản của người dân là trên hết, trước hết; bảo đảm các quyền lợi cho người dân là ưu tiên hàng đầu trong mọi hoạt động của lực lượng chức năng, cơ quan soạn thảo dự luật đã đưa quy định của luật đều tập trung vào vấn đề bảo vệ con người, xây dựng thói quen, ý thức tự giác chấp hành pháp luật khi tham gia giao thông.
Đơn cử như trong chương Quy tắc giao thông đã quy định chặt chẽ về kiểm soát tốc độ xe chạy, khoảng cách an toàn, kiểm soát tải trọng xe; nguyên tắc tham gia giao thông tại nơi tập trung đông người như cổng trường học và các cơ sở y tế; bổ sung quy định điều chỉnh đối tượng phụ nữ mang thai tham gia giao thông; quy định về nhường đường cho các đối tượng yếu thế; quy định không sử dụng các loại còi trong thời gian từ 22 giờ đến 5 giờ tại khu vực bệnh viện... Qua đó sẽ loại trừ vi phạm, giúp hình thành thói quen tốt khi tham gia giao thông, bảo đảm hoạt động giao thông đường bộ có kỷ cương, nền nếp.
Dự thảo Luật TTATGT đường bộ có một số điểm mới như xác thực tích hợp thông tin giấy tờ của người, phương tiện trên tài khoản định danh điện tử, thẻ căn cước; các quy định của luật đều hướng tới bảo vệ cho các đối tượng yếu thế (người già, người khuyết tật, trẻ em, phụ nữ có thai…) khi tham gia giao thông; ưu tiên tối đa phát triển và sử dụng công nghệ trong xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về TTATGT, trung tâm chỉ huy giao thông, hoạt động tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, giải quyết ùn tắc giao thông…
Những quy định này được đề ra để đáp ứng với công cuộc chuyển đổi số, xây dựng Chính phủ số mà chúng ta đang nỗ lực thực hiện. Người dân sẽ rất thuận lợi trong quá trình cập nhật, sử dụng giấy tờ khi tham gia giao thông, mặt khác cơ quan quản lý nhà nước cũng đảm bảo được mục tiêu quản lý về TTATGT đường bộ.
Đồng thời, còn bảo đảm tính tương thích với các điều ước quốc tế có liên quan mà Việt Nam là thành viên, cơ quan soạn thảo đã rà soát, nội luật hóa quy định trong Công ước Viên năm 1968 về Giao thông đường bộ (mục đích là tạo thuận lợi cho giao thông đường bộ quốc tế và tăng cường an toàn giao thông đường bộ bằng cách thiết lập các quy tắc giao thông tiêu chuẩn giữa các bên tham gia công ước). Vì Việt Nam đã hội nhập sâu với thế giới, nên phải có những thay đổi để phù hợp với các hoạt động giao lưu thương mại, học tập… Do đó, người dân Việt Nam và nước ngoài sẽ được tạo thuận lợi trong việc tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam và quốc tế.
Đối với quy định về độ tuổi và hạng giấy phép lái xe, dự luật cũng quy định giao Chính phủ quy định chi tiết./.